Những biến chứng khủng khiếp có thể xảy ra khi nâng ngực

Nâng ngực là đưa dị chất vào trong cơ thể, nếu cơ thể phản ứng quá mức, dẫn đến những biến chứng cho những người đi nâng ngực.

1268 Những biến chứng khủng khiếp có thể xảy ra khi nâng ngực
ảnh minh họa

Xơ hóa bao quanh túi – khắc tinh của nâng ngực

Theo BS Nguyễn Hữu Thọ, Chủ nhiệm Khoa phẫu thuật Hàm mặt và tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết: “Co bao-trường hợp cơ thể phản ứng quá mức với dị chất – chúng tôi gặp thường từ 5 – 7%. Cơ thể người được phẫu thuật đã sinh ra màng xơ bọc lấy chất liệu đấy và dày lên, co lại, làm cho khoang túi chật hơn, khiến hình dạng vú ban đầu méo mó đi. Bệnh nhân bị vướng vào biến chứng này thường rất đau. Khi sờ ngoài ngực có cảm giác cứng đanh như gỗ. Có người bị một bên, nhưng có người bị cả hai bên. Hiện tượng này chúng tôi lo ngại nhất, nhưng không tránh được”.

Để giải quyết biến chứng này, không có cách nào khác là mổ ra, thay lại túi nâng ngực khác. Hiện nay, bệnh nhân giữ kỷ lục phải mổ thay túi nâng ngực nhiều nhất tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108 là 3 lần. Nghĩa là bệnh nhân này sau khi nâng ngực đã bị co bao, phải mổ ra thay túi và tiếp tục bị co bao, phải mổ lại lần nữa. Điều này gây ra sự đau đớn cho bệnh nhân rất nhiều.

Để giảm thiểu hiện tượng co bao, nhiều hãng sản xuất túi nâng ngực đã cải tiến, từ chất liệu trơn của túi sang chất liệu nhám, với hy vọng bề mặt tiếp xúc của túi cao hơn, giảm thiểu hiện tượng co bao, nhưng BS Thọ cho biết, loanh quanh thì kiểu túi nào cũng mất 5 – 7% bệnh nhân vướng vào biến chứng co bao.

Bi hài biến chứng từ túi nước biển

Tuy vậy, biến chứng của túi silicon gel thường ít hơn túi muối biển. Khoa phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh pôn thường phải đón nhận những bệnh nhân nâng ngực ở các phòng khám tư nhân hoặc các trung tâm thẩm mỹ khác sau khi sử dụng túi nâng ngực bằng muối biển.

BS Trần Thiết Sơn, chủ nhiệm Khoa cho biết: “Sự cố thường gặp của túi nước biển chính là thủng túi, gây rò rỉ nước biển vào trong cơ thể. Túi nước biển sau thời gian đặt từ 3 – 5 năm có thể xảy ra hiện tượng rò rỉ vì với chất liệu này, túi thường có van để bơm dung dịch vào nên việc rò rỉ là tất yếu”.

Chị Hoàng H, 37 tuổi (Hà Nội) sau khi nâng ngực bằng túi nước biển dung tích 160cc tại một phòng khám tư nhân ở Hà Nội, đã phải đến Viện Xanh pôn để xử lý sự cố này. Chỉ sau 6 tháng, ngực trái của chị nhỏ dần, như quả bóng xì hơi. Và chỉ sau năm đầu tiên, hai bên ngực đã lệch nhau trông thấy.

Bác sỹ của khoa Phẫu thuật tạo hình, BV Xanh Pôn cho biết, khi chị đến viện thì túi nước biển bên ngực trái đã thủng hơn một nửa mà chị không hay biết. Lý do rò rỉ có thể là do dùng túi nước biển chất lượng thấp, kỹ thuật đặt túi không đúng gây gập hoặc rách túi; nước muối bị thoát dần qua van. Chị đã phải phẫu thuật và thay lại túi silicon gel.

Việc bác sĩ thiếu kinh nghiệm trong khi mổ, có thể dẫn tới những biến chứng khác như tụ máu, chảy máu, tăng xuất tiết dịch trong khoang túi. Đây là những biến chứng sớm, giải quyết được ngay. Nhưng nếu để lâu, cũng sẽ phải mổ lại, thay túi.

Trường hợp chị Võ Thúy H, 39 tuổi (Thanh Hóa) đã bị chảy máu xung quanh nơi đặt túi độn. Do không được xử trí ngay, ngực trái của chị trở nên thâm bầm tím tái, căng và đau tức. Sau hai tuần chịu đựng đau đớn, chị H đến bệnh viện và được kết luận là bị tụ máu sau khi phẫu thuật. Máu không thoát được hết ra ngoài nên tụ lại bên trong gây sưng tấy và đau đớn sau đó dẫn đến co bao.

Với chị H, bác sỹ bệnh viện Xanh pôn đã phải tiến hành phẫu thuật bóc toàn bộ dải xơ, bóc túi nước biển, thay thế bằng chất liệu gel silicon.

Ngoài ra, còn có những bệnh nhân nâng ngực nhập viện vì bị viêm nhiễm, lở loét phần da xung quanh ngực, lộ túi độn ngực ra ngoài da. Với những trường hợp này, bác sĩ thường phải cho dùng kháng sinh để bệnh nhân hết viêm loét. Ba tháng sau mới tiến hành đặt lại túi ngực khác.

Hầu hết những biến chứng nặng nề do nâng ngực là đặt túi ngực ở trước cơ. Phẫu thuật này giúp các bác sỹ tiết kiệm thời gian hơn nhưng ngực trông không tự nhiên và dễ xảy ra chuyện “vỡ” túi, thoát dịch trong túi. Phương pháp an toàn nhất trong nâng ngực là đặt túi ngực sau cơ.

Nếu thấy ngực có xu hướng xẹp và biến dạng, bạn nên đến kiểm tra ngay, vì để lâu dễ sinh ra các túi xơ xung quanh, gây đau đớn. Bạn nên kiểm tra thường xuyên 6 tháng/lần để nếu có biến chứng sẽ được can thiệp kịp thời.

Theo Eva

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *