Đau ở ngực do hai bệnh lý. Một là u sợi tuyến vú; Hai là bệnh thay đổi sợi bọc ở vú, gây đau.
Ảnh minh họa
Bộ ngực luôn là “điểm nhấn” ấn tượng trên cơ thể của người phụ nữ. Rất nhiều chị em lo âu khi vòng một của mình có số đo khiêm tốn. Ngược lại, không ít người, sau những lần sinh nở, lại ngỡ ngàng khi bộ ngực của mình bị tác động quá nhiều bởi “lực hút của trái đất”.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của bác sĩ, một bộ ngực đẹp, trước tiên phải đạt tiêu chuẩn không viêm, không đau, tóm lại là khỏe mạnh. Mặc dù đã có nhiều thông tin về sức khỏe bộ ngực, thế nhưng phần đông phụ nữ vẫn “mù” kiến thức trong lĩnh vực này.
Bác sĩ Trần Thị Vân Anh, giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM, chuyên khám sản phụ khoa – vú, qua kinh nghiệm thăm khám, bà nhận thấy:
Nhiều người bị viêm vú sau khi sinh, dù chuyện này hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Ngay từ lúc sản phụ có thai, núm vú của bà mẹ tương lai cần được làm vệ sinh thường xuyên. Massage vú trước khi cho con bú là việc rất dễ làm, nhưng ít có bà mẹ nào thực hiện, vì vội vàng khi nghe con khóc, vì không có thói quen, hoặc cho con bú ở chỗ có người lạ…
Chăm sóc và vệ sinh núm vú, sẽ ngăn ngừa được tình trạng tắt tia sữa, dẫn đến hiện tượng viêm tuyến vú, áp-xe vú. Khi một bên vú bị viêm, vú còn lại, em bé cũng không thể bú, vì vi khuẩn đã vào máu, ảnh hưởng xấu đến nguồn sữa.
Vấn đề phổ biến khác mà giới nữ hay mắc phải là bị đau vú. Vì thiếu hiểu biết, nên đa số chị em rất sợ hãi, lo lắng. Theo thống kê của chuyên khoa ung thư, ở phụ nữ, đứng hàng đầu là ung thư tử cung, nhưng nay ung thư vú đã chiếm vị trí này. Vì thế, khi cảm thấy đau ngực, chị em liền nghĩ đến chuyện bị ung thư.
Thực ra, nỗi sợ hãi của họ gây tổn hại cho sức khỏe, tinh thần còn nhiều hơn là nỗi đau thể chất. Nhiều người ngại, không dám đi khám, hoặc đi khám không đúng chỗ, bị “vẽ”, lại càng sợ. Thật ra, ung thư vú không gây đau ở ngực. Nhiều người không biết chi tiết này nên tốn rất nhiều năng lượng cho… những suy nghĩ tiêu cực.
Đau ở ngực do hai bệnh lý. Một là u sợi tuyến vú, bệnh này không điều trị bằng thuốc, chỉ mổ lấy khối u, và đây là u lành. Hai là bệnh thay đổi sợi bọc ở vú, gây đau, nhưng không cần mổ, chỉ uống thuốc điều trị. Vì ung thư vú không gây đau, nên người mắc bệnh “không biết đâu mà phát hiện”.
Không chỉ phụ nữ, mà ngay cả nam giới, nếu có người nhà bị ung thư vú, thì không nên chủ quan. Bởi loại ung thư này có tính di truyền rất cao. Tốt nhất, cứ ba tháng nên đi khám một lần. Phụ nữ sau 40 tuổi, chụp nhũ ảnh mỗi năm một lần. Phát hiện bệnh sớm, điều trị sớm, người bệnh sẽ đỡ tốn kinh phí, công sức, và đặc biệt là bớt rối loạn tâm lý.
Theo Bacsi