Các bác sĩ chuyên khoa mắt khẳng định: Thời tiết mưa nắng bất thường tạo điều kiện cho bệnh đau mắt đỏ phát triển.
Trẻ em dễ lây bệnh
Những ngày gần đây, ở Hà Nội, dịch đau mắt đỏ xuất hiện và lây lan rất nhanh. Theo nhận định của các bác sĩ, dịch này đang còn diễn biến phức tạp nếu người dân không biết cách phòng ngừa.
Sáng ngủ dậy, thấy cậu con trai chưa đầy 2 tuổi dử mắt ra nhiều, đỏ, sưng, cháu bé liên tục đưa tay dụi mắt, quấy khóc, chị Minh (Hà Đông, Hà Nội) vội đưa con đến khám tại nhà một bác sĩ chuyên khoa mắt đã về hưu ngay gần nhà.
Bác sĩ kết luận cháu bị đau mắt đỏ rồi kê đơn thuốc điều trị. Nhỏ thuốc mấy ngày mắt cháu bé vẫn sưng húp, kèm nhèm, quá sốt ruột chị vội đưa con đến Viện mắt trung ương. Chị Minh kể lại trước đó mấy hôm chồng chị cũng bị đau mắt đỏ.
Tương tự trường hợp con trai chị Minh, chị Kim Thư (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng phát hiện cô con gái 5 tuổi có những biểu hiện chảy nước mắt, sưng mọng quanh mắt, ngây ngấy sốt… Nghĩ con bị đau mắt thông thường chị ra hiệu thuốc gần nhà mua thuốc về tự chữa cho con.
Tuy nhiên, nhỏ thuốc tới 4-5 ngày mà mắt cháu bé vẫn sưng húp, đỏ hơn và ngứa ngáy. Đưa con đến chuyên khoa mắt khám, bác sĩ cho biết cháu bé bị đau mắt đỏ và dặn chị phải vệ sinh mắt đúng cách cho con thì mới nhanh khỏi bệnh.
Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, đây là thời điểm bệnh đau mắt đỏ vào mùa, tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh. Đặc biệt là trẻ em sức đề kháng yếu nên bệnh rất dễ lây.
Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu, việc khỏi bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: khả năng miễn dịch, dinh dưỡng, vệ sinh, có các viêm nhiễm phối hợp hay không… Vì thế bệnh nhân cũng như các bậc cha mẹ không nên quá sốt ruột.
Phòng bệnh đau mắt đỏ không khó
Đau mắt đỏ do virus đang ở thời điểm bắt đầu mùa dịch, dự báo bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa mắt cũng khẳng định việc phòng bệnh đau mắt đỏ không hề khó khăn.
Với bệnh đau mắt đỏ, việc điều trị cũng phải mất từ 1- 3 tuần mới khỏi. Triệu chứng ban đầu của bệnh là ngây ngấy sốt, mệt, đau họng, sưng hạch trước tai. Từ 5-7 ngày sau thì một bên mắt bị đỏ, chảy nước mắt, 3-5 ngày sau sẽ lây sang mắt còn lại. Bình thường bệnh này chỉ mất 10-15 ngày là khỏi hẳn, nhưng có người đến 6 tháng bệnh mới lành.
Tuy nhiên, điều khó khăn trong phòng tránh là nhiều người dân không phân biệt được bệnh đau mắt đỏ với các bệnh đau mắt thông thường khác, hoặc do vệ sinh kém, sử dụng thuốc không đúng (về thời điểm, cách dùng) nên khiến tình trạng bệnh thêm nặng.
Bác sĩ Phạm Ngọc Đông (Bệnh viện mắt Trung Ương) cho biết: Đau mắt đỏ không gây tử vong nhưng có khả năng phát tán nhanh, rộng. Con đường lây bệnh chủ yếu là do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh (qua tay, lây qua những vật dụng hàng ngày như khăn rửa mặt, đồ chơi, bát ăn, cốc uống…).
Một nguyên nhân khác là do vi khuẩn hay virus trong nước, bụi bẩn, tay chân, khăn bẩn… xâm nhập vào mắt. Người sống trong khu vực có nhiều vi khuẩn, nếu không vệ sinh đúng cách sẽ dễ bị đau mắt đỏ.
Vì vậy, phòng bệnh tốt nhất là tránh tiếp xúc và không dùng chung đồ với người đau mắt đỏ và vệ sinh đúng cách như: rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, đặc biệt là sau khi nhỏ mắt cho người bệnh. Ngoài ra cũng cần chú ý không dùng chung thuốc nhỏ mắt để tránh lây bệnh. Khi bị bệnh thì cần nghỉ ngơi, tránh lây cho người khác.
Khi có biểu hiện như mắt đỏ, chảy nhiều nước, ngứa, nhiều dử mắt, ho, sốt, nóng rát mắt, mi mắt sưng,… thì cần đến bác sỹ để được khám và điều trị kịp thời. Nhất là trẻ nhỏ càng không thể chậm trễ vì sức đề kháng của các bé còn kém. Việc điều trị đau mắt đỏ sớm sẽ không gây tốn kém và làm mất thời gian nếu được điều trị kịp thời. Trường hợp để lâu có thể dẫn đến biến chứng vĩnh viễn cho mắt.
Bác sĩ Đông khuyến cáo: Người dân tuyệt đối không nên tự mua thuốc về điều trị, đặc biệt là những loại thuốc có chứa corticoid nếu không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt. Những thuốc này sử dụng không đúng giai đoạn sẽ làm giảm khả năng miễn dịch, có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Những người đã khỏi bệnh cũng không nên chủ quan vì tuýp virus gây bệnh có thời gian miễn dịch rất ngắn (chỉ trong vòng hai tháng). Vì thế, nếu không giữ gìn cẩn thận, có người mắc bệnh đến 2 lần trong một đợt dịch.
Theo TTVN