Hậu quả nghiêm trọng của bệnh trầm cảm sau sinh

Sau sinh, nhiều mẹ bầu rơi vào trạng thái trầm cảm. Có nhiều trường hợp trầm cảm nặng mà phát điên, hóa dại.

Bác sĩ Trương Chiến Công, chuyên khoa Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Đa khoa Lào Cai cũng từng ám ảnh dài bởi những câu chuyện về bệnh nhân mà anh từng có thời gian dài điều trị…

Chặn giường vì sợ con bị bắt cóc

Bác sĩ Công chia sẻ: “Mặc dù mới chỉ làm việc chuyên sâu trong chuyên ngành sức khỏe tâm thần được 4 năm nhưng tôi đã gặp khá nhiều trường hợp trầm cảm sau sinh đẻ. Điều đó cho thấy tỷ lệ các bà mẹ bị trầm cảm sau sinh là khá nhiều. Vấn đề trầm cảm sau sinh của các bà mẹ thì hầu như chưa được biết đến đầy đủ và chưa được quan tâm đúng mức khiến cho chất lượng đời sống tinh thần của bà mẹ, của em bé và của các thành viên khác trong gia đình chưa được hoàn thiện”.

Bác sĩ Công kể lại về trường hợp đặc biệt anh từng thăm khám và điều trị, chị Nguyễn Thị Vân, 26 tuổi ở Lào Cai. Chị là một cô giáo xinh đẹp, nhà chồng lại khá giả, có điều kiện. Kết hôn được vài tháng chị nhanh chóng có tin vui. Suốt thời gian mang thai, cả 2 mẹ con chị đều hoàn toàn khỏe mạnh. Tiền sử gia đình không có ai mắc bệnh trầm cảm hay rối loạn tâm thần.

Tuy nhiên, sau khi sinh con, ngoài niềm vui thì những lo lắng luôn luôn khiến chị trong trạng thái bất an. Con hơi khẽ cựa mình, đái ỉa, khóc đòi ăn… là ngay lập tức chị sốt sắng, lo lắng, cuống cuồng. Mỗi đêm chị chỉ ngủ được khoảng 2- 3 tiếng, thời gian còn lại chị dành hết để trông con. Ban ngày thì gần như không ngủ 1 phút…

Khi con chị được tròn 1 tháng, cháu khỏe mạnh tăng cân thì cũng là lúc gia đình chị bắt đầu thấy có sự bất thường ở con dâu. Chị ăn uống kém, ngủ rất ít, ít cười nói, luôn luôn tỏ ra căng thẳng, mất tập trung, hay quên,… Gia đình ban đầu cũng chỉ nghĩ là do chị chưa có kinh nghiệm làm mẹ cộng với việc phải thức khuya nhiều nên chị bị căng thẳng, lo lắng vậy thôi, dần dần rồi sẽ hết. Nhưng sang tháng thứ 2, rồi tháng thứ 3 tình hình ngày càng xấu đi. Cơ thể chị gầy sút cân, ăn uống kém, làm việc mất tập trung, hay cáu gắt với mọi người, có lúc cãi nhau tay đôi với mẹ chồng, có lúc lại khóc lóc một mình, cho là chồng đi ngoại tình, luôn sợ con bị ốm đau hay bị bắt cóc mất…

1310 Hậu quả nghiêm trọng của bệnh trầm cảm sau sinh

Chị có những hành vi kỳ quặc như: lúc con ngủ ở trong nôi, chị phải kê giường ra chặn ở cửa phòng ngủ vì sợ những khi chị ngủ say người khác sẽ vào bế con bị mất. Trước những hành động không bình thường đó, gia đình đã  buộc phải đưa chị đi khám và điều trị tại khoa tâm thần.

Vào viện, chị được khám và chẩn đoán bị trầm cảm sau sinh đẻ có triệu chứng loạn thần. Tại khoa tâm thần, chị được làm tất cả các xét nghiệm, thăm dò chức năng cần thiết, được điều trị bằng thuốc và bằng liệu pháp tâm lý (tất nhiên chị phải cai sữa cho con). Sau 10 ngày điều trị, các triệu chứng trầm cảm và loạn thần của chị mới được cải thiện dần dần. Sau 20 ngày thì chị đã ý thức được tình trạng bệnh của mình, đã tự chủ động uống thuốc được (ban đầu chị chống đối không chịu uống thuốc theo hướng dẫn của nhân viên y tế).

Cảm xúc và hành vi đã ổn định, chị được bác sĩ cho ra viện về nhà uống thuốc theo đơn ngoại trú thời gian 6 tháng. Rất may là sau đợt điều trị bệnh, sức khỏe của chị đã tốt hơn rất nhiều và hiện tại cuộc sống gia đình rất êm ấm, hạnh phúc.

Trầm cảm, có mẹ muốn giết con

Cũng theo lời kể của bác sĩ Công, một trường hợp khác cũng khiến anh ám ảnh nhiều năm, đó là bà mẹ Nguyễn Thị Thắm, 22 tuổi, người dân tộc thiểu số (dân tộc Giáy) ở huyện Bảo Thắng, Lào Cai.

Thắm có vẻ bề ngoài khá xinh đẹp, ưa nhìn. Học xong lớp 12, vì không có điều kiện đi học tiếp nên chuyển lên thành phố làm thuê. Sau đó, cô yêu và có thai với một anh công nhân làm cùng công ty.

Sau khi Thắm có thai được 6 tháng thì anh người yêu bỏ đi làm ăn biệt tăm ở bên Trung Quốc, không có tin tức gì. Thắm buộc phải về nhà bố mẹ đẻ ở và sinh con một mình. Trong thời gian mang thai và không có chồng chăm sóc, Thắm thường xuyên bị gia đình chửi bới, coi thường. Khi sinh con được 1 tuần thì cô có các biểu hiện mất ngủ, buồn chán, thờ ơ với ngoại cảnh, không thiết ăn uống gì, không muốn cho con bú và bỏ mặc con đói, khóc.

Đáng ngại hơn, gia đình bắt đầu thấy hoảng sợ khi Thắm có ý định đem con của mình ném xuống ao. Lần ấy, đứa bé may mắn được người nhà can ngăn kịp thời nên thoát chết. Gia đình đã đưa cô đến khoa tâm thần để chữa bệnh.

Nằm điều trị tại bệnh viện được 3 tuần thì sức khỏe thể chất và tinh thần của cô đã tiến triển tốt hơn. Thắm được ra viện, về nhà uống thuốc theo đơn ngoại trú. Nhưng quá trình điều trị tại nhà cô không uống thuốc thường xuyên đều đặn, gia đình và bản thân cô gái cũng không có sự liên lạc hay phản hồi gì với bác sĩ của mình, cũng không tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ .

Mãi sau mới biết, tình trạng bệnh của người mẹ trẻ không ổn định cùng với sự thiếu hiểu biết, thiếu quan tâm của gia đình, cô đã không uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ nữa mà nghe theo lời thầy bói, cúng bái, giải hạn khiến bệnh ngày càng nặng hơn. Sau đó, Thắm đã bỏ nhà đi lang thang đã hơn 1 năm nay gia đình chưa tìm thấy, bỏ mặc đứa trẻ tội nghiệp lại với ông bà.

Còn nhiều câu chuyện đau lòng khác về các bà mẹ bị trầm cảm sau sinh đẻ. Mỗi người 1 hoàn cảnh khác nhau, “Có người được chữa bệnh ổn định khỏi hoàn toàn, có người bệnh tái phát trở lại từng thời kỳ, cũng có những trường hợp đáng tiếc đã xảy ra do không được điều trị kịp thời làm tổn thương nặng nề tới tính mạng của chính bà mẹ, con trẻ và gia đình của họ”, bác sĩ Công chia sẻ.

Theo Phunutoday

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *