Ngôi thai của em bé góp phần rất lớn vào khả năng sinh thường thành công của mẹ.
Thói quen vận động của mẹ bầu có thể ảnh hưởng đến ngôi thai trong những tuần cuối của thai kỳ. Phát hiện này nhận được nhiều sự quan tâm và ủng hộ của mọi người, khi các bà bầu đang dần có xu hướng ít vận động, bằng chứng là số mẹ bầu đẻ thường càng ngày ít đi.
Mẹ bầu khi chuyển dạ chịu những cơn đau kéo dài và dai dẳng hơn do ngôi thai không thuận lợi để có thể đi qua tử cung một cách dễ dàng. Có một số ít trường hợp sản phụ phải chuyển mổ cấp cứu vì đầu em bé quá to hoặc xương chậu quá nhỏ. Các nhà khoa học kết luận rằng ngôi thai không thuận là lý do chính gây ra các tình huống khó đẻ. Vì vậy, nếu thay đổi được tư thế bé nằm trong bụng mẹ sẽ góp phần lớn cho ca sinh thường dễ dàng hơn.
Thông thường, vào cuối thai kì, tư thế của bé trong bụng mẹ thay đổi để có thể chui qua khung xương chậu dễ và nhanh nhất. Ở tư thế này, bé xoay đầu xuống phần dưới của cổ tử cung. Tư thế này giúp đầu bé dễ uốn cong, khi đó cằm của bé sẽ áp chặt vào ngực để chui ra dễ dàng. Đây gọi là ngôi đầu.
Khi ngôi thai là ngôi mông, tức là bé xoay phần mông xuống dưới thì mẹ vẫn có thể sinh thường nhưng thời gian đau đẻ, chuyển dạ sẽ kéo dài hơn rất nhiều do em bé phải xoay sang tư thế ngôi đầu để chào đời. Tuy vậy, việc này vẫn có nhiều khả năng gây ra biến chứng cho bé, như mắc dị tật ở hông và xương đùi, dây rốn bị chèn ép khi sinh, tổn thương thần kinh não do thiếu oxy,… Bởi vậy, đa phần bé có ngôi mông được sinh theo phương pháp mổ lấy thai nhằm tránh những nguy hiểm gây ra cho bé.
Cách xác định bé có ngôi đầu hay ngôi mông
Có thể biết được bé có ngôi đầu hay ngôi mông nhờ quan sát bằng mắt thường và cảm giác của mẹ bầu. Nếu bé có ngôi đầu, mẹ sẽ cảm thấy nặng nề phía dưới khung xương chậu, một phần bụng tròn rõ rệt và cảm thấy em bé đạp cạnh sườn. Với ngôi mông, bụng mẹ bầu sẽ phẳng bè và mềm hơn. Khi bé đạp mẹ cảm nhận được tay, chân bé tại vùng giữa bụng mình. Vùng xung quanh rốn mẹ bầu cũng lõm sâu vào.
Mẹo hay tránh cho bé khỏi ngôi mông
Lưng là bộ phận nặng nhất trên cơ thể em bé, bởi vậy lưng em thường có xu hướng bị hút về vùng thấp nhất trong bụng mẹ. Nếu bụng của bạn ở vị trí thấp hơn lưng, như trường hợp bạn ngồi trên ghế và hướng về phía trước, lưng em bé sẽ xoay hướng về phía bụng bạn. Nếu lưng của bạn ở vị trí thấp hơn mông, như trong trường hợp bạn nằm ngửa hoặc ở tư thế nửa ngồi nửa nằm trên ghế sofa, lưng của em bé sẽ xoay hướng về lưng bạn.
Vì thế, cần tránh tư thế làm cho em bé hướng mặt vào bụng bạn như ngả lưng trên ghế, dựa lưng trên ghế ô tô hoặc tư thế đầu gối co cao hơn khung xương chậu. Tư thế của mẹ thuận lợi nhất cho bé là quỳ gối thẳng, ngồi thẳng lưng, hoặc tư thế bò với tay và đầu gối chống xuống sàn. Khi ngồi trên ghế, luôn đặt chân thấp hơn khung xương chậu và thân hơi hướng về phía trước.
Theo Phunutoday