Tăng huyết áp là một bệnh mạn tính thường gặp. Thay đổi lối sống, chế độ ăn uống cũng góp phần làm giảm và ổn định huyết áp. Dưới đây là một số cách chế biến trà đơn giản có thể giúp hạ huyết áp:
Trà kim ngân
Vật liệu: Kim ngân hoa 10 g, hạ khô thảo 30 g. Chế biến: Hãm với nước sôi. Dùng uống thay trà.
Trà sen – hạ khô thảo
Vật liệu: Hạ khô thảo 10 g, lá sen 10 g. Chế biến: Sau khi rửa sạch cho vào ly, hãm với nước sôi, đậy nắp 10 phút. Dùng uống thay trà, ngày 1 thang.
Trà câu kỷ
Vật liệu: Câu kỷ 10 g. Chế biến: Hãm với nước sôi. Dùng uống thay trà, ngày 3 lần, dùng liền 10 ngày. Ngoài tác dụng hạ huyết áp còn giúp sáng mắt, giảm cholesterol.
Trà tang trúc
Vật liệu: Lá dâu 5 g, cúc hoa trắng 5 g, lá tre 20 g. Chế biến: Hãm với nước sôi. Dùng uống thay trà.
Ngoài tác dụng điều chỉnh nhịp tim, trà xanh (hoặc đỏ) còn giúp lợi tiểu Ảnh: TẤN THẠNH
Trà tim sen
Vật liệu: Tim sen 12 g. Chế biến: Lấy tim sen còn tươi hãm với nước sôi. Dùng uống thay trà. Bên cạnh tác dụng giảm huyết áp còn giúp thanh nhiệt, an thần, cường tim.
Trà sơn tra
Vật liệu: Sơn tra tươi 3 quả. Chế biến: Xắt lát. Hãm với nước sôi. Dùng uống thay trà sau bữa ăn. Ngày 3 lần. Không chỉ giúp giảm huyết áp mà còn có tác dụng trợ tiêu hóa, giãn mạch, hạ đường huyết.
Trà cúc hoa – quyết minh
Vật liệu: Cúc hoa 12 g, quyết minh tử (sao) 20 g. Chế biến: Hai vị thuốc cho vào ly, hãm với nước sôi, đậy nắp 20 phút. Dùng uống thay trà, ngày 1 thang. Thích hợp cho người bị cao huyết áp kèm triệu chứng đau đầu, đau mắt.
Trà câu đằng
Vật liệu: Câu đằng 30 g, nước suối 250 ml. Chế biến: Câu đằng xắt đoạn nhỏ, rửa sạch, nấu chung với nước suối, sau khi sôi chuyển lửa nhỏ ninh 10 phút, bỏ bã. Dùng nước uống sáng, tối.
Trà mẫu đơn bì
Vật liệu: Mẫu đơn bì 30 g, nước suối 300 ml. Chế biến: Mẫu đơn bì rửa sạch, nấu với nước suối còn 150 ml, bỏ bã, lấy nước. Ngày uống 3 lần.
Trà cúc hoa
Vật liệu: Cúc hoa trắng 3 g. Chế biến: Hãm với nước sôi hoặc thêm kim ngân hoa, cam thảo nấu chung. Mỗi lần dùng khoảng 3 g hãm trà, ngày 3 lần, cho hiệu quả thấy rõ đối với những người bị xơ cứng động mạch; đồng thời còn giúp thanh nhiệt giải độc, sáng mắt.
Trà hoa hòe
Vật liệu: Nụ hoa hòe vừa đủ. Chế biến: Nụ hoa hòe rửa sạch, sấy khô, hãm với nước sôi. Cách dùng: Dùng uống thay trà.
Trà lá sen
Vật liệu: Lá sen tươi nửa tấm. Chế biến: Rửa sạch xắt nhuyễn, đổ nước vừa đủ, đun sôi để nguội. Dùng uống thay trà. Giúp giãn mạch, thanh nhiệt.
Trà thảo quyết minh
Vật liệu: Thảo quyết minh 250 g. Chế biến: Cho vào chảo gang sao với lửa riu 2 phút (không được sao khét). Mỗi ngày dùng 1 nắm để hãm trà. Có tác dụng giảm mỡ máu, thanh can sáng mắt.
Trà dưa hấu – thảo quyết minh
Vật liệu: Vỏ xanh dưa hấu 15 g, thảo quyết minh 10 g. Chế biến: Sắc uống. Dùng uống thay trà.
Trà nấm hương
Vật liệu: Nấm hương khô 3 tai. Chế biến: Mỗi tối dùng 3 tai nấm hương khô hãm với nước sôi. Sáng hôm sau dùng uống ấm. Nghiên cứu khoa học đã chứng minh trong nấm hương có chứa một loại axít amin, có tác dụng kéo giảm cholesterol, tăng tuần hoàn máu.
Trà củ hành
Vật liệu: Củ hành 10 quả. Chế biến: Xắt nhỏ cho vào ấm, đổ nước đun sôi, chuyển lửa nhỏ hầm cho đến lúc ngả sang màu trà. Mỗi ngày uống 1-3 ly, uống giữa 2 bữa ăn rất có hiệu quả. Dùng liền 10 ngày sẽ đưa huyết áp trở về mức bình thường.
Trà xanh (hoặc đỏ)
Vật liệu: Trà xanh (hoặc đỏ) 5 g, nước suối 250 ml. Chế biến: Cho trà vào nồi, đổ nước vào đun sôi với lửa vừa, chuyển lửa nhỏ đun 5 phút, bỏ bã, lấy 150 ml nước. Mỗi sáng uống lúc bụng đói, dùng liền 3 tháng. Ngoài tác dụng điều chỉnh nhịp tim để giảm huyết áp, còn giúp lợi tiểu.
Trà tiên dược
Vật liệu: Trà ô long 3 g, xương bồ 2 g, trạch tả 5 g, sơn tra sống 5 g, trà xanh 3 g, lá tía tô 2 g. Chế biến: Tất cả dược liệu trộn đều, cho vào ấm hãm với nước sôi, đậy nắp 10 phút thì dùng.
Trà xích ngũ gia
Vật liệu: Rễ và cành xích ngũ gia vừa đủ. Chế biến: Rễ và cành xắt mỏng, phơi khô. Hãm với nước sôi, dùng uống thay trà.
Theo Nguoilaodong