Trẻ ở độ tuổi thiếu niên, các chức năng của cơ quan trong cơ thể vẫn chưa thực sự hoàn thiện không nên tùy tiện cho trẻ dùng thuốc của người lớn.
1. Cố gắng chọn cho con loại thuốc chuyên sử dụng cho trẻ
Trẻ ở độ tuổi thiếu niên vẫn đang trong thời kỳ phát triển, chức năng của các cơ quan trong cơ thể vẫn chưa thật sự hoàn thiện. Nếu như trẻ sử dụng thuốc dành cho người lớn, trẻ rất khó để tiếp nhận các thành phần có trong thuốc, dễ sốc thuốc. Ngoài ra, mùi vị của thuốc dành cho người lớn chắc chắn sẽ không làm hài lòng trẻ, không nên nghiền nhỏ viên thuốc hoặc mở viên nang cho trẻ uống vì có một số loại thuốc chứa dược chất rất đắng, sẽ làm cho trẻ ghét uống thuốc.
Thói quen tự tiện lựa chọn thuốc cho trẻ cũng dễ khiến cho trẻ nhờn thuốc. Vì vậy, điều bạn cần làm là hỏi ý kiến dược sĩ để chọn cho trẻ loại thuốc phù hợp, an toàn cho trẻ. Điều cần lưu ý nữa là không nên hù dọa, tạo không khí căng thẳng mà cần mềm mỏng, kiên trì thuyết phục cho trẻ uống thuốc, dạy trẻ cách uống đúng: để trẻ đứng hoặc để uống thuốc với đầu hơi nghiêng ra sau.
Ngoài ra, khi cần nhỏ thuốc mũi cho trẻ, nên cho trẻ nằm ngửa, gối được đặt dưới vai và cổ, đầu ngửa ra. Phụ huynh ngồi ở phía sau đầu trẻ và tay kia nhỏ thuốc vào mũi. Nhỏ thuốc xong nên để trẻ nằm trong 5 phút để giữ thuốc trong mũi. Việc bạn tự ý trộn thuốc vào đồ ăn để cho trẻ uống cũng sẽ làm ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ. Có thể trẻ sẽ cho rằng người lớn lừa gạt mình. Nếu bạn cho trẻ dùng thuốc đúng cách, trẻ sẽ không sợ nghẹn thuốc hay sợ sệt việc uống thuốc nữa.
2. Cha mẹ nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng
Hướng dẫn sử dụng thuốc là tài liệu tham khảo quan trọng, nhưng hầu như ai cũng bỏ qua nó. Thuốc cần phân ra uống mấy lần, trước hay sau khi ăn, khi dùng thuốc cần kiêng những gì, những tác dụng phụ gì có thể xảy ra…những điều này đều được viết rõ trong hướng dẫn sử dụng hoặc được dược sĩ dặn dò kỹ càng. Thông thường, bạn không nên để trẻ dùng sữa, nước ép sinh tố để uống thuốc.
Nếu như trẻ có phản ứng, mẫn cảm với các thành phần của thuốc, bạn nên cho trẻ dừng thuốc và đi khám bác sĩ. Ngoài ra bạn cần lưu ý, ghi chép lại những thành phần mà trẻ dễ bị dị ứng để tránh cho trẻ bị tổn thương những lần sau đó. Trẻ bị dị ứng thuốc gồm có các triệu chứng sau đây: dị ứng nổi mề đay, mẩn ngứa, nôn, rối loạn tiêu hóa, khó thở.
3. Cách bảo quản thuốc rất quan trọng
Thuốc cần bảo quản trong môi trường mát, thoáng, tránh tiếp xúc với ánh sáng gắt, có một số loại thuốc còn cần bảo quản ở điều kiện đặc biệt hơn là trong tủ lạnh. Thuốc dạng vỉ không được để rách giấy bọc ở vỉ thuốc, thuốc trong hộp cần có túi chống ẩm hoặc bông. Đặc biệt, không được cố sử dụng thuốc đã quá hạn.
Theo Phunutoday