“Núi đôi” là bộ phận sẽ thay đổi nhiều nhất trong thời gian mẹ mang thai.
9 tháng mang thai, cơ thể mẹ sẽ trải qua rất nhiều thay đổi, lồng ngực mở rộng, bụng căng ra và các cơ quan trong cơ thể cũng sẽ dồn gọn lại để nhường chỗ cho tử cung phát triển. Ngoài ra, ngực cũng là bộ phận chịu nhiều tác động từ việc bầu bí. Tuy không bị ảnh hưởng trực tiếp từ bụng bầu lớn lên nhưng sự thay đổi này là để chuẩn bị đón em bé chào đời.
Những triệu chứng ở ngực mẹ sẽ phải trải qua khi mang bầu là đau nhức, nhạy cảm hay rò rỉ sữa… Những hiện tượng này đôi khi sẽ làm mẹ khó chịu, thậm chí là ngượng ngùng nhưng đừng quá lo lắng vì chúng hết sức bình thường trong thai kỳ.
Dưới đây là 7 triệu chứng phổ biến xảy ra ở ngực khi mang bầu mẹ nên biết:
Đau ngực
Triệu chứng này có thể gây khó chịu cho mẹ nhưng điều đáng buồn là phần lớn chị em đều phải trải qua chứng đau tức ngực ngay từ khi mới mang bầu cho đến hết thai kỳ. Nguyên nhân của hiện tượng này là do sự tăng lên của mức độ hormone estrogen và progesterone thai kỳ. Thông thường, đến quý 2, triệu chứng này sẽ bớt khó chịu hơn.
Ngoài ra, để giảm bớt đau đớn, các mẹ nên chọn những loại áo ngực dành riêng cho bà bầu, nên mặc cả lúc đi ngủ và cần tránh để ngực bị va chạm mạnh.
Hầu hết mẹ bầu đều bị đau tức ngực ngay khi bắt đầu mang thai. (ảnh minh họa)
Ngực tăng kích cỡ
Ngực lớn hơn bình thường cũng là triệu chứng phổ biến khi mang thai. Ngực sẽ bắt đầu phát triển từ khoảng tuần thứ 6 thai kỳ và sẽ tiếp tục cho đến hết 9 tháng mang thai. Nguyên nhân là do khi mang thai, lồng ngực mở rộng để tử cung phát triển, đồng thời ngực cũng chuẩn bị nguồn sữa để nuôi em bé sau khi chào đời.
Để không bị khó chịu do ngực tăng kích cỡ, chị em nên mua áo ngực rộng rãi, dành riêng cho bà bầu và có thể thấm hút mồ hôi tốt nhất.
Xuất hiện gân xanh trên ngực
Rất nhiều chị em chia sẻ họ nhận thấy hiện tượng gân xanh nổi lên rõ rệt trên da ngực khi mang thai. Nguyên nhân là do trong thai kỳ, lưu lượng máu tăng lên đến 50% để đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của bé. Điều này sẽ khiến tĩnh mạch bà bầu nổi lên rõ rệt hơn. Sau sinh, hiện tượng này sẽ dần biến mất.
“Nhũ hoa” sẫm màu
Không chỉ tăng lên về kích thước, “nhũ hoa” của mẹ bầu cũng sẽ bị sẫm màu hơn so với trước khi mang thai. Thêm nữa, tuyến bã dầu hoạt động mạnh khiến nhũ hoa mẹ bầu bị bị bóng nhờn hơn. Tin vui là sau sinh, khi mẹ cho con bú thì nhũ hoa sẽ sáng màu trở lại.
Rò rỉ sữa non
Từ tuần thứ 16 thai kỳ, ngực của mẹ đã có thể bắt đầu sản xuất sữa non và từ đây đến cuối thai kỳ, mẹ có thể sẽ cảm nhận thấy có một dòng chảy đang hoạt động trong ngực, đồng thời đầu ti cũng có thể rò rỉ sữa non. Sữa non là chất lỏng có màu vàng nhạt, chứa rất nhiều kháng thể có lợi cho trẻ sơ sinh.
Hiện tượng rò rỉ sữa non hết sức bình thường nhưng nếu ngực rỉ sữa kèm theo máu và đau đớn, chị em nên đến gặp các chuyên gia khoa sản để được khám bệnh kịp thời.
Từ tuần thứ 16 thai kỳ, ngực của mẹ đã có thể bắt đầu sản xuất sữa non. (ảnh minh họa)
Xuất hiện cục u
Một số chị em cho biết họ nhận thấy những cục u xuất hiện ở “núi đôi” trong thời gian mang thai. Theo các chuyên gia, đó là những u nang, bướu sợi tuyến (mô xơ) và galactoceles (u nang chứa sữa) và hoàn toàn lành tính, không ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu. Nếu bạn nhận thấy những khối u kèm đau nhức, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Nốt nhỏ quanh “nhũ hoa”
Hầu hết phụ nữ đều nhận thấy sự thay đổi ở quanh “nhũ hoa” khi mang thai đó là sự xuất hiện của những nốt nhỏ li ti. Đây là hiện tượng bình thường để chuẩn bị cho việc nuôi con bằng sữa mẹ sau khi bé ra đời.
Theo Eva