Ai cũng nghĩ, người lớn mới mắc các bệnh phụ khoa (PK), đục thủy tinh thể (ĐTTT), tăng huyết áp (THA), viêm xoang (VX)… nhưng thực tế, không ít trẻ nhỏ cũng mắc những căn bệnh này.
Nhiều biến chứng
Nhiều phụ huynh khi thấy con có biểu hiện ngứa vùng kín, thường ngại đưa con đi khám vì sợ các bác sĩ làm rách màng trinh của trẻ, nên đã tự mua thuốc về xử lý. ThS-BS Đặng Lê Dung Hạnh – Trưởng khoa Khám bệnh A BV Hùng Vương TP.HCM – cho biết, nếu dùng thuốc không đúng, trẻ không được điều trị sớm, có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng mạn tính, khi lớn để lại các di chứng như teo hẹp, tắc vòi trứng, vô sinh. Vì bệnh PK hiếm gặp ở trẻ (mỗi tháng BV Hùng Vương tiếp nhận chỉ từ ba – năm ca) nên tại Việt Nam, các BV nhi và sản khoa chưa có phòng khám và tư vấn dành riêng cho trẻ, mà thường kết hợp khám chung với người lớn. Khi thăm khám cho trẻ, các BS sẽ soi, xét nghiệm khí hư để tìm nguyên nhân, siêu âm bụng để phát hiện dị vật trong âm đạo, hoặc siêu âm đầu dò qua ngả hậu môn, thay vì qua âm đạo. Những cách này cho kết quả chính xác mà không làm tổn hại cơ quan sinh dục của trẻ.
Theo BS Nguyễn Thành Danh – Khoa Mắt, BV Nhi Đồng 2 TP.HCM, ở trẻ nhỏ, nguyên nhân gây ĐTTT thường gặp là do bẩm sinh và chấn thương. ĐTTT bẩm sinh chiếm tỷ lệ 3/1.000 trẻ sơ sinh. Bệnh xuất hiện ngay sau sinh hoặc ở tuổi nhũ nhi. Nguyên nhân do nhiễm trùng bào thai, di truyền, bất thường nhiễm sắc thể, rối loạn chuyển hóa (giảm canxi máu, hạ đường huyết…). ĐTTT do chấn thương (bị đánh, bị vật cứng đập vào mắt), thường xuất hiện ngay lúc bị thương. Nếu không được điều trị sớm, sẽ gây một số biến chứng như lé, nhược thị, mất chức năng thị giác hai mắt.
Hàng năm, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM tiếp nhận khoảng 200 – 300 ca bệnh THA. THA ở trẻ em có hai dạng: thứ phát và nguyên phát. THA thứ phát chiếm phần lớn trong THA ở trẻ em. 80 – 90% trẻ THA thứ phát có thể xác định được nguyên nhân vì bệnh liên quan đến thận, các bệnh tim mạch và bệnh lý nội tiết. Còn THA nguyên phát (trẻ béo phì, chế độ ăn nhiều muối…) dù ít gặp ở trẻ nhưng là yếu tố nguy cơ dự báo THA và các bệnh lý tim mạch khi trẻ trưởng thành. Theo ThS-BS Đỗ Nguyên Tín – Phó trưởng Khoa tim mạch, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, THA nặng ở trẻ em có nguy cơ gây phì đại thất trái, bệnh lý não do THA, co giật, tai biến mạch máu não, tổn thương võng mạc và suy tim. Thậm chí, dù HA không tăng nghiêm trọng nhưng cũng có thể gây tổn thương các cơ quan, đặc biệt là tình trạng dày tâm thất trái nếu THA kéo dài mà không được can thiệp.
Theo nhận định của BS Đặng Hoàng Sơn – Trưởng khoa Tai mũi họng, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, VX ở trẻ không còn hiếm và ngày càng tăng, nhất là với trẻ dưới sáu tuổi. Bệnh xuất hiện rải rác, có khuynh hướng theo mùa. VX ở trẻ có hai dạng: cấp và mạn. VX cấp kéo dài dưới ba tuần, xảy ra khi trẻ bị các bệnh về đường hô hấp và kéo dài trên mười ngày. VX mạn là tình trạng VX cấp không được điều trị nội khoa đúng mức, bệnh lặp đi lặp lại và kéo dài trên ba tháng. Bệnh có thể biến chứng tại chỗ, viêm tấy vùng mặt, hốc mắt, viêm xương. VX sàng và VX bướm là hai dạng VX gây biến chứng nhiều đến dây thần kinh mắt, nên VX này ở dạng cấp có thể làm trẻ mờ mắt, không nhìn thấy; còn VX mạn có thể gây viêm thần kinh thị, mù mắt, biến chứng nặng nhất là vi khuẩn xâm nhập vào máu, gây viêm tắc xoang tĩnh mạch hang, gây viêm não, viêm màng não, áp xe não.
Khó trị, khó ngừa
Với bệnh PK, việc phòng ngừa cho trẻ khó hơn ở người lớn, khi bị bệnh, trẻ có thể ngứa ngáy, khó chịu, nên hay gãi vùng kín. “Phụ huynh cần quan sát, theo dõi, giải thích, giúp trẻ giữ gìn thân thể. Cần hướng dẫn trẻ làm vệ sinh sau mỗi lần đi tiêu tiểu, khi rửa hoặc lau chùi nên theo hướng từ trước ra sau để ngăn vi khuẩn lây nhiễm vào bộ phận sinh dục” – ThS-BS Đặng Lê Dung Hạnh khuyến cáo.
BS Nguyễn Thành Danh cho biết, điều trị ĐTTT ở trẻ em sau khi phẫu thuật khó hơn người lớn ở chỗ, dù đã phẫu thuật đạt kết quả và điều chỉnh quang học tốt, nhưng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vẫn có nguy cơ bị nhược thị. Sau khi mổ, cần phải luyện tập thêm.
Với bệnh THA, ThS-BS Đỗ Nguyên Tín cho biết, chẩn đoán THA ở trẻ em rất dễ sai sót vì mức HA bình thường của trẻ thay đổi theo lứa tuổi, trạng thái tâm lý, các hoạt động khác nhau… Về điều trị, có nhiều khác biệt trong THA ở trẻ em so với người lớn như: thời gian THA không kéo dài như người lớn, mức độ nặng của THA nguyên phát không nhiều… nên các liệu pháp điều trị THA ở trẻ em phải tùy thuộc vào mức độ THA và biến chứng.
Theo BS Hoàng Sơn, bệnh VX nếu điều trị đúng kháng sinh, đúng liều, đúng thời gian sẽ khỏi. Việc điều trị ở trẻ khó hơn người lớn vì bệnh nhân phải dùng thuốc kéo dài và liều lượng thuốc phải đúng với độ tuổi, cân nặng. Ngoài ra, ý thức trẻ còn thấp, có những trường hợp mổ xong, do lối sống, vùng khí hậu ẩm, tiếp xúc với bụi đất… khiến bệnh tái đi tái lại. Ở trẻ có VA (viêm amidan), nếu bị nhiễm trùng mà không phẫu thuật nạo VA thì bệnh khó lành.
Theo PhunuOnline