Phần lớn mọi người thường tập trung ngân sách cho tủ bếp và các thiết bị bếp nên khu vực backsplash (khoảng ốp giữa tủ trên và tủ dưới) ít được quan tâm. Tuy nhiên, không gian này cần được chú trọng hơn bởi đây là nơi dễ bám bẩn và dễ nhìn thấy nhất trong căn bếp.
Backsplash chính là bề mặt phía sau bồn rửa hoặc bàn bếp (nằm ở khoảng giữa tủ bếp trên và tủ bếp dưới), có tác dụng bảo vệ mảng tường trong bếp nên còn được gọi là tấm chắn tường bếp. Ngoài tác dụng bảo vệ, backsplash còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo vệ sinh và tạo nên nét cá tính cho phòng bếp.
Tầm quan trọng của backsplash
Hạn chế nấm mốc
Quá trình nấu nướng không tránh khỏi tình trạng dầu mỡ, thức ăn và nước văng bắn lên tường. Nếu để tường trần, các vết dễ dàng bám vào tường và phát triển thành nấm, mốc, khiến tường nhà nhanh xuống cấp. Thay vì đau đầu xử lý các mảng nấm mốc đó, bạn có thể sử dụng tấm ốp tường bếp để bảo vệ, che chắn tường khỏi nước, dầu mỡ. Nhờ vậy, bạn sẽ không phải lo lắng về các vấn đề liên quan tới độ ẩm, vết bẩn hay nấm mốc.
Backsplash là một trong những nơi tốt nhất trong phòng bếp để thể hiện phong cách thiết kế và gu thẩm mỹ của gia chủ. |
Ngăn chặn vết bẩn
Tùy thuộc vào chất liệu ốp tường bếp mà backsplash có thể tồn tại lâu dài mà không bị hư hại hay bám bẩn. Theo các chuyên gia, những vật liệu không thấm nước là lựa chọn tốt nhất cho backsplash bởi vết bẩn sẽ không thể thấm qua bề mặt vật liệu để bám sâu vào bên trong tường.
Gạch men, kính và kim loại là những chất liệu có độ cứng cao, giúp ngăn chặn vết bẩn mà không cần bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên. Đá tự nhiên có độ cứng cao nhưng vẫn thấm nước và dễ bị ăn mòn bởi các phản ứng hóa học. Do vậy, bạn cần sử dụng thêm hóa chất chống thấm đá tự nhiên để tránh các vết bẩn bám vĩnh viễn.
Vệ sinh nhanh chóng và dễ dàng hơn
Một số vật liệu ốp tường bếp với bề mặt phẳng mịn, láng bóng có thể giúp công việc lau chùi trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn. Gạch men, kính cường lực được xem là chất liệu backsplash ít bị bám bẩn hơn cả. Nó cũng ít thấm nước và bạn có thể dễ dàng lau sạch vết bẩn chỉ bằng một miếng bọt biển hay vải ẩm.
Làm tăng tính thẩm mỹ cho phòng bếp
Backsplash là vị trí dễ nhìn thấy nhất trong bếp, có tác động đáng kể đến diện mạo căn bếp. Một mặt chắn tường bếp độc đáo sẽ giúp tổng thể ngôi nhà trông tuyệt vời và hoàn chỉnh hơn. Do vậy, bạn có thể thử nghiệm với các kiểu backsplash khác nhau nhằm làm nổi bật cá tính và sự sáng tạo của bản thân.
Lựa chọn vật liệu backsplash phù hợp
Khi lựa chọn vật liệu ốp tường bếp, cần phải cân nhắc rất nhiều yếu tố như giá thành, công năng, dễ lắp đặt hay không, dễ bảo trì, tính thẩm mỹ…
Thép không gỉ
Backsplash bằng thép không gỉ tạo những rung cảm đậm chất công nghiệp cho không gian nấu nướng. Vật liệu này được sản xuất dưới dạng nguyên tấm hoặc dạng miếng nhỏ và có thể được gắn trực tiếp lên tường với keo dán chuyên dụng hoặc ốc vít.
Thép không gỉ là một trong những vật liệu ốp tường bếp rất được ưa chuộng. |
Ưu điểm: Thép không gỉ có giá thành vừa phải, hơn nữa, vật liệu này còn có độ cứng cao, chịu nhiệt tốt và rất dễ vệ sinh.
Nhược điểm: Mặc dù backsplash bằng thép không gỉ rất dễ lau chùi nhưng lại khó duy trì được vẻ đẹp ban đầu. Theo thời gian, bề mặt tấm chắn sẽ xuất hiện các vết trầy xước gây mất thẩm mỹ và thậm chí còn bị nứt vỡ.
Gạch men
Gạch men chắc chắn là vật liệu ốp tường phổ biến nhất bởi tính linh hoạt, thiết thực và phong cách. Nhờ sự phát triển của công nghệ in ấn, gạch men trở nên phong phú về họa tiết, màu sắc với sự xuất hiện của loại gạch vân gỗ, vân đá. Đặc biệt, gạch men có đặc tính chống trầy xước, chống nước, chịu nhiệt, dễ thi công mà giá thành cũng rất phải chăng. Gạch men có độ bền cao. Khi một tấm gạch bị nứt hay hư hỏng, bạn đơn giản chỉ cần gỡ nó ra và thay thế một tấm gạch khác vào.
Gạch men với hoa văn cổ điển tỏa sáng trong gian bếp hiện đại. |
Ưu điểm: Điểm cộng của vật liệu này là dễ vệ sinh, độ bền cao, ít cần bảo trì. Hơn nữa, như đã đề cập ở trên, gạch men với sự phong phú về hình dạng, kích cỡ, họa tiết và màu sắc cho phép bạn thoải mái sáng tạo và thể hiện dấu ấn riêng của mình lên căn bếp mà không làm giảm công dụng của backsplash.
Nhược điểm: Không phải loại gạch men nào cũng được phủ một lớp chống thấm nên bạn cần tìm hiểu kỹ lưỡng về đặc tính của vật liệu trước khi lựa chọn. Hơn nữa, gạch men cũng dễ bị vỡ và sứt mẻ khi va đập, khả năng chống trầy xước kém.
Kính cường lực
Với những ai muốn không gian nấu ăn thật sự tinh tế, hiện đại và liền mạch thì kính là vật liệu không thể bỏ qua. Kính ốp bếp thường ở dạng tấm khổ lớn, được cắt khoét bằng công nghệ CNC hiện đại cho phù hợp với kích thước cụ thể của tường bếp nên không hình thành mạch vữa.
Kính cường lực ốp bếp đang trở nên thịnh hành bởi những đặc tính nổi trội mà nó sở hữu. |
Ưu điểm: Không phải ngẫu nhiên mà kính cường lực được ưa chuộng đến vậy. Kính cường lực là các tấm khổ lớn, khi thi công không tạo thành mạch vữa nên dễ lau chùi, vệ sinh. Hơn nữa, kính cường lực còn có khả năng chịu lực cao gấp 3-4 lần so với các loại kính thông thường. Kính cường lực chịu được sức nóng lên đến 220 độ C mà không bị biến dạng hay nứt vỡ, đặc biệt phù hợp với không gian nấu ăn.
Vật liệu này không thấm nước, khó bám bụi, có độ phẳng, độ bóng cao giúp phản xạ ánh đèn làm tăng ánh cho căn phòng. Đặc biệt, kính cường lực có nhiều màu sắc phong phú (trên 100 màu) mang lại giá trị thẩm mỹ cao cho gian bếp, giá thành khá cạnh tranh so với các vật liệu khác trên thị trường.
Nhược điểm: Hãy cân nhắc kỹ khi lựa chọn màu sắc kính bởi việc thay mới kính ốp bếp sau khi lắp đặt không hề đơn giản.
Gương
Backsplash làm từ gương phù hợp với mọi phong cách bếp, từ truyền thống cho tới đương đại. Nhờ đặc tính phản quang ánh sáng và phản chiếu không gian, gương giúp những căn phòng nhỏ, tối tăm trở nên rộng rãi và thoáng sáng hơn rất nhiều.
Nhờ đặc tính phản chiếu ánh sáng, backsplash gương trở thành lựa chọn hoàn hảo cho những căn bếp nhỏ hẹp, thiếu sáng. |
Ưu điểm: Không những bền bỉ, gương với bề mặt phẳng ít bám bụi, dễ lau chùi vệ sinh. Giống như kính cường lực, các tấm gương có thể dài tới 3m nên không tạo thành mạch vữa khi thi công, tạo nên cái nhìn liền mạch cho gian bếp.
Nhược điểm: Dù gương dễ vệ sinh, đặc tính phản xạ ánh sáng nhưng bạn chỉ nên sử dụng vật liệu này cho khu vực phía sau bồn rửa. Tránh sử dụng gương ở khu vực phía sau bếp gas bởi quá trình nấu nướng khiến gương giãn nở và co lại liên tục sẽ hình thành nên các vết nứt.
Đá nhân tạo thạch anh
Đá nhân tạo thạch anh được tạo ra bằng cách pha trộn khoảng 90% bột thạch anh với các phụ gia khác. Đá nhân tạo có khả năng chịu nhiệt, chống trầy xước và cực kỳ bền bỉ.
Nhằm tiết kiệm chi phí khi thi công backplash đá nhân tạo, bạn nên tận dụng chính loại đá được sử dụng cho mặt bàn bếp. Khi đó, chi phí tạo khuôn và lắp đặt sẽ thấp hơn nhiều so với việc sử dụng vật liệu khác.
Đá nhân tạo thạch anh hiện diện ở mọi nơi trong ngôi nhà, từ cầu thang, mặt bàn bếp cho đến tường bếp. |
Ưu điểm: Đá nhân tạo có độ bền cao, chống trầy xước và không đồng nhất nên không làm lộ vết bẩn. Nó cũng dễ dàng được lau sạch với nước ấm hay nước rửa bát. Ngoài ra, đá nhân tạo còn phong phú về màu sắc để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ khác nhau của người dùng. Vật liệu này cũng tồn tại dưới dạng các tấm lớn, giúp hạn chế các đường mạch vữa khi thi công.
Nhược điểm: Thi công tường bếp với đá nhân tạo khá phức tạp, bạn phải nhờ tới sự giúp đỡ của những người thợ lành nghề.
Đá hoa cương
Đá hoa cương vẫn là lựa chọn phổ biến để ốp tường bếp. Điều thú vị là màu sắc của đá hoa cương được quy định bởi thành phần hóa học và khoáng vật cấu thành, tạo nên các đường vân độc đáo và rất riêng. Khi nhắc tới đá hoa cương, nhiều người thường nghĩ ngay đến bề mặt hoàn thiện đánh bóng, tuy nhiên vẫn còn một số loại bề mặt hoàn thiện khác, nổi bật nhất là bóng mờ và nhám. Loại đánh bóng được sử dụng cho các căn bếp mang phong cách truyền thống hay đồng quê, trong khi loại bóng mờ lại là sự lựa chọn lý tưởng cho những phòng bếp hiện đại.
Đá hoa cương rất thích hợp để làm vật liệu ốp tường cho hạng mục bếp. |
Ưu điểm: Đá hoa cương rất dễ lau chùi, có độ cứng cao và phong phú về màu sắc.
Nhược điểm: Sau một quá trình sử dụng, đá hoa cương dễ dàng bị nước thấm vào bên trong khiến bề mặt ố màu, gây mất thẩm mỹ. Vì thế, cần chống thấm cho đá tự nhiên trước khi đưa vào sử dụng.
Đá cẩm thạch
Hiếm có vật liệu ốp tường nào sánh được với vẻ đẹp tự nhiên của đá cẩm thạch bởi đây là lựa chọn bất bại khi bạn muốn mang đến diện mạo sang trọng cho căn bếp.
Đá cẩm thạch (mable) là loại vật liệu tự nhiên có khả năng chịu lực cao, rất thích hợp với những không gian như phòng bếp. |
Ưu điểm: Mỗi viên đá cẩm thạch cắt ra có hệ vân riêng biệt, tức là bạn sẽ không thể tìm thấy hai viên đá cẩm thạch có hệ vân giống nhau trên trái đất này. Vì thế, tấm ốp tường bếp làm từ đá cẩm thạch giống như một tác phẩm nghệ thuật tự nhiên độc đáo cho không gian nấu ăn.
Nhược điểm: Tùy thuộc vào nguồn khai thác mà giá thành đá cẩm thạch có thể rất đắt đỏ. Cũng giống như đá hoa cương, khả năng chịu nước của đá cẩm thạch không thực sự tốt nên cần được xử lý chống thấm thường xuyên nhằm ngăn chặn tình trạng ố màu. Hơn nữa, dù đẹp nhưng đá cẩm thạch rất dễ bị bám bẩn và cần được bảo trì, vệ sinh thường xuyên. Tuy nhiên, bạn có thể lựa chọn loại đá cẩm thạch với đường vân tối màu để che giấu đi các vết bẩn.
Tấm nhựa ốp tường bếp
Sự xuất hiện của vật liệu này giải quyết được cả hai yêu cầu là tính tiện lợi và tính kinh tế mà gạch, đá tự nhiên khó làm được. Các tấm nhựa ốp bếp không chỉ đảm bảo về công năng mà còn đa dạng về màu sắc, họa tiết – có loại giả đá, giả vân gỗ nên phù hợp với nhiều phong cách bếp khác nhau.
Dễ thi công, dễ vệ sinh, màu sắc và họa tiết đa dạng và những ưu điểm nổi trội của tấm ốp nhựa. |
Ưu điểm: Tiết kiệm đáng kể chi phí so với các vật liệu tự nhiên, đa dạng về màu sắc và họa tiết. Loại vật liệu này có thể uốn cong khi vận chuyển, dễ lau chùi và vệ sinh. Tấm nhựa ốp tường có kích thước lớn, dễ thi công và không tạo thành mạch vữa tạo nên bề mặt trơn phẳng, liền mạch.
Nhược điểm: Tấm ốp tường bếp bằng nhựa chịu nhiệt ở mức độ vừa phải, vì thế bạn cần giữ một khoảng cách nhất định khi lắp đặt ở khu vực gần lửa bếp.
Gỗ tự nhiên
Gỗ tự nhiên là vật liệu vô cùng quen thuộc và được sử dụng rộng rãi trong thiết kế nội thất nói chung. Và nếu muốn, bạn có thể sử dụng vật liệu này cho phần tường phía sau bếp nhằm làm tăng vẻ ấm cúng và mang chút hơi thở thiên nhiên cho căn bếp.
Gia chủ cần thường xuyên tra dầu bảo quản gỗ khi sử dụng vật liệu này để ốp tường bếp. |
Ưu điểm: Gỗ tương đối bền, dễ lau chùi, giá cả phù hợp với túi tiền của phần đông các hộ gia đình. Sự hiện diện của gỗ tự nhiên trong căn bếp góp phần tạo ra bầu không khí thoải mái, thân thiện nhưng cũng rất mới lạ.
Nhược điểm: Vật liệu này tồn tại khá nhiều nhược điểm như chống ẩm kém, dễ nấm mốc, bám bẩn. Do vậy, bạn nên thường xuyên tra dầu bảo quản gỗ khi sử dụng chất liệu này để ốp tường bếp.
Theo Báo mới