Nếu pha sữa bột không đúng cách, các bà mẹ có thể vô tình tạo ra các nguy hiểm gây ảnh hưởng tới sức khỏe của con trẻ.
Nuôi con bằng sữa mẹ luôn là điều lý tưởng nhất, những nhiều mẹ vì lý do nào đó không thể cho bé bú sữa mẹ ngay từ đầu hoặc không thể cho bé bú mẹ hoàn toàn trong các tháng đầu. Lúc này, sữa bột là “cứu trợ” duy nhất đối với họ và sức khỏe của trẻ.
Tuy nhiên, khi cho bé uống sữa bột, mẹ cần đặc biệt chú ý tới những hướng dẫn sử dụng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bé, cũng như bảo toàn dinh dưỡng của sữa. Có 10 lưu ý mà mẹ không bao giờ được quên, đó là:
1. Tránh dùng lò vi sóng
Các mẹ nên tránh cho bình sữa của trẻ vào lò vi sóng để làm nóng. Lò vi sóng sẽ không làm nóng sữa đồng đều và có thể tạo ra những “điểm nóng” làm phỏng miệng bé.
2. Pha chế đúng công thức
Mỗi hộp sữa bột đều có hướng dẫn cụ thể trong cách pha. Những hướng dẫn này phải được theo dõi cẩn thận mỗi khi bạn chuẩn bị pha sữa. Sẽ có sự khác nhau giữa các thương hiệu và sản phẩm, do đó, các mẹ hãy luôn kiểm tra hướng dẫn trước khi dùng. Nếu bạn thêm quá nhiều nước, em bé sẽ có thể không nhận được đủ chất dinh dưỡng. Nếu bạn thêm quá ít nước, em bé lại có thể có nguy cơ mất nước. Do đó, việc pha 1 cách chính xác rất cần thiết cho sức khỏe và sự an toàn của bé.
3. Không sử dụng nước khoáng để pha sữa
Đôi khi nước tinh khiết không có sẵn hoặc do thông tin sai lạc, 1 số phụ huynh đã sử dụng nước khoáng thay nước đun sôi bình thường để pha sữa cho con. Nước khoáng là loại nước có chứa hàm lượng cao các chất khoáng có thể gây hại cho em bé. Một số loại nước khoáng có chứa hàm lượng natri cao, thường cao hơn so với lượng natri khuyến cáo hàng ngày cho trẻ sơ sinh. Nước khoáng cũng có thể chứa hàm lượng canxi cao gây nguy hiểm cho thận của bé.
4. Nước pha phải ít nhất 70 độ C
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo rằng nước sử dụng để pha sữa nên ở mức 70 độ C. Trước khi cho em bé uống, hãy làm mát một cách nhanh chóng bằng cách để bình sữa dưới vòi nước đang chảy, cho đến khi nó hạ nhiệt độ đến mức vừa phải để bé uống được.
5. Không để quá lâu
Một bình sữa có thể là điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của vi khuẩn có hại. Ngay cả những vi khuẩn từ nước bọt của bé có thể tấn công vào bên trong chai. Nếu em bé không uống hết sữa, mẹ không nên để quá 2 giờ mà hãy bỏ đi để pha sữa mới cho con. Đừng vì tiếc của mà gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con nhỏ!
6. Tránh nhồi nhét cho bé
Em bé sẽ là người biết rõ mức độ đói của mình. Nếu em bé ngừng uống, hãy lấy bình sữa ra. Đừng hy vọng bé sẽ bú hết 1 bình sữa đầy mỗi lần bú.
7. Không để bé ngủ quên trong khi vẫn đang tu bình sữa
Nếu em bé của bạn bỗng nhanh chóng chìm vào giấc ngủ nhưng vẫn đang ngậm bình sữa trong miệng, sữa sẽ tiếp tục chảy vào miệng bé và có thể khiến bé bị sặc.
8. Không để bé phải tự uống sữa
Các bà mẹ không bao giờ để dựng bình sữa lên và để bé tự uống. Phương pháp cho ăn này là một mối nguy hiểm dễ khiến bé nghẹt thở.
9. Không làm nóng bình sữa quá 10 phút
Khi hâm nóng bình sữa, các mẹ phải chú ý lấy bình ra trong 10 phút. Để quá 10 phút có thể sẽ khiến vi khuẩn sinh sôi nảy nở trong sữa. Điều này có thể khiến em bé bị tiêu chảy.
10. Trộn sữa bột với sữa mẹ
Sữa mẹ không nên được trộn với sữa bột. Nếu các mẹ đang cho bé ăn cả 2 loại sữa, hãy cho bé bú sữa mẹ trước rồi cho bé ăn sữa bột sau.
Theo Phunutoday