Cây thuốc dòi (ảnh) còn gọi là cây bọ mắm, bơ nước tương, đại kích biển, thuộc họ thầu dầu – Euphorbiaceae.
Đây là loại cây mọc hoang ở những vùng đất trống hay trên các bãi cát ven biển khắp nước ta. Cây thuốc dòi còn có ở Ấn Độ, Nam Trung Quốc, Campuchia, Lào, Malaysia, Philippines, Indonesia…
Cây thuốc dòi là loại thân thảo, sống lâu nhờ gốc rễ. Thuốc dòi thân nhiều, phân nhánh, bắt nguồn từ cổ của rễ, nằm dưới đất, nhẵn, dạng sợi, dễ gãy. Lá loài cây này hình trái xoan, gần như không cuống; cụm hoa ở ngọn; quả nang, nhẵn, kết vào các tháng 7 – 11 hằng năm; hạt nhiều, màu hung, nhẵn.
Theo đông y, cây thuốc dòi có vị ngọt, nhạt, tính mát, có tác dụng chỉ khái, tiêu đờm, dùng chữa ho lâu ngày, ho dai dẳng, ho sơ nhiễm lao, ho lao, viêm họng, viêm thanh phế quản, ho khan, tiêu viêm, thông tiểu, thông sữa… Liều dùng trung bình cho mỗi ngày từ 10 đến 20 g sắc lấy nước thuốc uống. Cũng có thể thu hái về nấu thành cao thuốc dòi, còn gọi “cao bò mắm”. Ở Tân Đảo, người ta dùng cả cây ngâm nước, vò ra làm thành một loại thuốc để xổ tẩy. Phụ nữ ở đây còn dùng nó như thuốc điều kinh và cả để gây sẩy thai.
Nhựa và toàn cây thuốc dòi đều có thể dùng làm thuốc.
Dưới đây là một số cách trị bệnh từ cây thuốc dòi:
– Hỗ trợ chữa ho lao: Lấy nhựa cây, chế biến, chưng cách thủy với mật ong dùng uống ngày 2-3 lần.
– Chữa ho, viêm đau họng: Cây thuốc dòi khô 10-20 g, sắc lấy nước uống.
– Chữa đinh nhọt, viêm sưng vú, vết bầm tụ máu: Lấy một nắm cây thuốc dòi đem giã nát rồi đắp lên nơi sưng đau.
– Chữa viêm mũi sưng đau: Lấy lá hay hoa cây thuốc dòi chừng 15-20 g, giã nát cùng vài hạt muối, gạn lấy nước, dùng bông y tế thấm bôi vào mũi nơi bị viêm, ngày 3-4 lần.
– Chữa họng viêm đau, ho: Lấy lá hay hoa cây thuốc dòi chừng 20-30 g, giã nát cùng vài hạt muối, gạn lấy nước chia ra ngậm nuốt dần, ngày 1 thang trong 7 ngày liền.
Theo Suckhoedoisong